Liên tiếp nhận được phản ánh của người tiêu dùng tại một số địa phương về tình trạng nhập nhèm chất lượng tôn, PV đã lên đường xác minh và giật mình trước thực trạng gian lận công khai đang diễn ra tràn lan ở khắp nơi. Qua hỏi mua ngẫu nhiên tại 3 địa phương, tỷ lệ mua phải tôn gian lận độ dày là… 100%. Thậm chí người ta còn không thèm in nhãn mác giả, mà bán thẳng cho người mua một loại tôn “không liên quan”, dù viết hóa đơn cho một loại tôn khác. Phổ biến nhất là tình trạng ăn gian độ dày, hay mua tôn Trung Quốc không nguồn gốc, về in giả nhãn hiệu các hãng tôn danh tiếng để bán kiếm lời.

Theo tin báo của người tiêu dùng, chúng tôi đã tìm xuống Công ty tôn thép Tiến Đạt tại địa chỉ 33 Phan Đăng Lưu (Kiến An, Hải Phòng). Tại địa chỉ này chỉ có trụ sở công ty với 1 nhân viên tư vấn cho khách. Muốn lấy tôn, khách phải đợi công ty mang từ xưởng ra, trong tình trạng đã đóng cuộn, chứ không được tận tay kiểm tra sản phẩm. Sau khi hỏi hàng loạt nhãn hàng tôn uy tín trong nước như Hoa Sen, Phương Nam, Đại Thiên Lộc… nhưng công ty đều nói không có bán. Nhân viên bán hàng tại đây tư vấn chúng tôi nên lấy tôn Đông Á, vì tôn nào cũng từ loại phôi đó, chỉ cán ra và in nhãn hiệu lên thôi?! Sau khi suy nghĩ, chúng tôi đồng ý mua tôn Đông Á độ dày 0,4mm với mức giá 78.500 đồng/m 2 , chưa bao gồm thuế VAT. Đây là loại tôn có giá cao nhất công ty đang bán, do đó, chất lượng cũng tốt nhất – theo lời nhân viên bán hàng. Sau một hồi hỏi han, chúng tôi đồng ý mua 12m 2 tôn Đông Á 0,4mm và 12m tôn 0,35mm – theo hóa đơn không rõ nhãn hiệu. Khi chở cuộn tôn về kiểm tra, chúng tôi mới phát hiện công ty này đã trắng trợn tráo hàng, đưa cho chúng tôi tôn Việt – Hàn nào đó, riêng cuộn 0,35mm nhãn hiệu ghi nửa tiếng Anh, nửa tiếng Việt “made by Global Steel, Japan Standard” – tạm dịch “sản xuất bởi Global Steel, tiêu chuẩn Nhật Bản”. Tuy nhiên, theo một chuyên gia trong ngành, những dòng nhãn hiệu và mã số này có nhiều điểm đáng ngờ và không có ý nghĩa.

Máy kiểm tra phát hiện độ dày tôn bị gian lận tại Hải Phòng.

Đáng chú ý hơn, sau khi dùng máy chuyên dụng để đo, độ dày tôn đã “bốc hơi” đáng kể, tôn 0,4mm chỉ đo được 0,356mm (hụt 11%) và tôn 0,35mm chỉ đo được 0,267mm (hụt 23,7%). Như vậy, người tiêu dùng đã bị “móc túi” không chỉ một lần: vừa phải mua tôn sai nhãn hiệu, không biết chừng còn là tôn giả, vừa bị ăn gian độ dày.

Thủ đoạn này không chỉ xảy ra ở một cửa hàng, và cũng không chỉ xảy ra tại Hải Phòng. Chúng tôi đã phát hiện có dấu hiệu ở một số cửa hàng khác tại Thái Nguyên, Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc… Theo một số DN sản xuất tôn danh tiếng trong nước, không chỉ ở miền Bắc, tình trạng gian lận này cũng xảy ra tại miền Trung và miền Nam, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất trong nước và quyền lợi của người tiêu dùng. Một ví dụ khác đã được chúng tôi phát hiện là tại Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ Thương mại Thịnh Kiệm (phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh, Bắc Ninh). Cũng tương tự, khi được hỏi một số loại tôn có tiếng trên thị trường như Phương Nam, Nam Kim, Hoa Sen… công ty cho biết không có bán, nhưng tư vấn cho khách sử dụng tôn liên doanh Việt Nhật và tôn Đài Loan. Dù chúng tôi đặt mua tôn Việt Nhật, nhưng nhân viên làm hóa đơn lại ghi là tôn Đài Loan, loại 0,35mm, giá 70.000 đồng/mét với lý do là máy cán loại tôn này đang chạy, còn tôn Đài Loan mất công phải dỡ cuộn ra. Tuy nhiên, khi mang về đo, cuộn tôn này chỉ có độ dày 0,294mm.

Tôn không rõ nguồn gốc tại Bắc Ninh.

Cũng tại Bắc Ninh, chúng tôi đã vào tận một xưởng sản xuất và kinh doanh tôn. Sau khi hỏi mua với số lượng nhỏ và công ty đồng ý bán, chúng tôi đặt hàng tôn TVC 0,35mm với giá 71.500 đồng/m 2 và tôn TVC 0,4 mm với giá 80.000 đồng/m 2 . Tuy nhiên, trên thực tế cuộn tôn lại in ký hiệu MSC 0,45 mm và MSC 0,52mm. Khi dùng máy đo thì độ dày cuộn tôn 0,35mm chỉ còn 0,326mm. Hóa đơn do công ty xuất không có một thông tin nào về tên cũng như địa chỉ công ty.

Việc dùng máy đo chỉ là một động tác kiểm tra đơn giản nhất có thể thực hiện, và cũng chỉ xác định được đến việc tôn bị ăn gian độ dày. Tuy nhiên, người tiêu dùng không thể nào phát hiện những thủ đoạn đó. Không mấy ai có đủ hiểu biết để nhìn vào dãy ký hiệu lằng nhằng phía sau cuộn tôn để xác định thông tin có chính xác không, càng không thể có máy để đo độ dày. Chưa kể đến việc tôn giả, phôi Trung Quốc, được in nhãn hiệu Việt Nam, hay một nhãn hiệu “liên doanh” nào đó thì có “tài thánh” người tiêu dùng cũng không thể nào biết được. Cũng chính vì việc lừa đảo quá dễ này mà hiện tượng gian lận đã trở nên phổ biến đến mức báo động
nguồn: http://www.baomoi.com/giat-minh-vi-ton-gia-ton-kem-chat-luong-tran-lan/c/15308670.epi

BÌNH LUẬN
BÀI VIẾT LIÊN QUAN